TIN TỨC

Bất động sản Tây Ninh thêm sức hút nhờ hạ tầng

Những dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc TP HCM – Mộc Bài, Gò Dầu – Xa Mát, các tuyến kết nối vùng giúp gia tăng khả năng đầu tư cho bất động sản Tây Ninh.

Đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Campuchia, Tây Ninh được chú trọng việc xây dựng và nâng cấp hệ thống hạ tầng từng ngày.

Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài Tây Ninh dự kiến. Ảnh: WATER

Các tuyến đường huyết mạch như cao tốc TP HCM – Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận Tây Ninh kết nối với đoạn Chơn Thành (Bình Phước) – Đức Hòa (Long An) cùng những dự án trung tâm Logistics, cảng ICD, cảng tổng hợp Tây Ninh đều được chú trọng đầu tư.

Sau khi tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài được đưa vào sử dụng, bất động sản tại thành phố Tây Ninh sẽ tăng thêm giá trị, giống với các thị trường lân cận như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, Tây Ninh còn là điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút đông khách du lịch. Nhiều thắng cảnh và địa điểm tham quan tại đây như khu du lịch núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài, Ma Thiên Lãnh… có lượng du khách đổ về lớn, đòi hỏi thêm các địa điểm cư trú, nghỉ dưỡng.

Hạ tầng đồng bộ, tiềm năng về du lịch là những yếu tố giúp Tây Ninh được nhiều tập đoàn bất động sản lớn rót vốn đầu tư. Có thể kể đến Vingroup với tổ hợp trung tâm thương mại khách sạn, Tập đoàn Sun Group triển khai khu du lịch núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng…

Theo quy hoạch, dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP.HCM) và điểm cuối ở khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), với chiều dài toàn tuyến hơn 50km. Dự kiến sẽ được triển khai theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Qua quá trình rà soát, cập nhật quy mô đầu tư và chi phí giải phóng mặt bằng ở 2 địa phương trên, Sở GTVT TP.HCM đã hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, sơ bộ với tổng mức đầu tư khoảng 15.900 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là 5.417 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 7.433 tỷ đồng. Còn lại là chi phí quản lý dự án, dự phòng, lãi vay và chi phí khác. Riêng phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP rơi vào 5.901 tỷ đồng và trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng.

Hiện, từ TP.HCM đi Tây Ninh, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế Mộc Bài chỉ có tuyến Quốc lộ 22 (vốn chưa được mở rộng). Do vậy, dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được kỳ vọng sẽ làm hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tạo động lực phát triển trong vùng.

Nguồn dangcongsan.vn

0339028339